
“Nếu một ngày nào đó bạn cảm thấy thiếu động lực sống thì hãy nhớ về những người thân yêu và hỏi tại sao bạn lại cố gắng đến bây giờ? Hoặc bạn cảm thấy chán nản với cuộc sống hiện tại thì cứ inbox cho tôi nhé! Hãy kể cho tôi nghe về câu chuyện của bạn, tôi sẽ giúp bạn vượt qua nó!”. Đó là lời chia sẻ và nhắn nhủ của thanh niên Tô Đình Khánh (SN 1993) trong buổi nói chuyện, truyền cảm hứng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (TX. Bình Long).
Tô Đình Khánh quê ở tỉnh Đắk Lắk nhưng đang sống và kinh doanh online tại TP. Hồ Chí Minh. Tháng 4-2018, anh Khánh bị tê ở bàn chân rồi đi không được nên đến cơ sở y tế khám. Anh được các bác sĩ chẩn đoán bị bệnh tắc động mạch máu ở bụng khiến máu không di chuyển được xuống chân nên phải cắt bỏ đôi chân để có cơ hội tiếp tục sống.
Sau 2 ngày nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, tôi được chuyển lên phòng bệnh và được người nhà vào thăm. Lúc này, cha mẹ, anh chị em và bạn bè sợ tôi buồn nên động viên rất nhiều. Và hy vọng được gắn chân giả lại vụt tắt khi bác sĩ thông báo tôi phải tiếp tục làm phẫu thuật, cắt bỏ tới khớp háng vì vết thương đang hoại tử và lần phẫu thuật này khả năng sống rất thấp.
May mắn sống sót sau 2 lần đại phẫu, anh Khánh chia sẻ: “Vài tháng sau phẫu thuật, vùng da ở khớp háng của tôi bị chai. Để vùng này lên da non, bác sĩ phải dùng kéo cạo bỏ vùng da chai cho máu ứa ra. Khi cạo không dùng thuốc, cứ 2 ngày cạo 1 lần. Có những lúc đau quá, cũng từng nghĩ tới tự tử, thế nhưng tôi đã lấy lại tinh thần và tự nhủ mình phải tiếp tục sống, bởi còn sống là hạnh phúc!”.
Với quan điểm “mỗi ngày mở mắt ra thấy mình còn sống đã là một niềm hạnh phúc rồi” nên anh Khánh luôn vui vẻ, lạc quan. Để lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng, nhất là những bạn trẻ bị khuyết tật, anh đã lập một kênh YouTube mang tên mình ghi lại những hoạt động thường ngày, chia sẻ về nghị lực sống của bản thân để truyền cảm hứng cho mọi người. Không chân không có nghĩa là chấm dứt. Với đôi bàn tay, mỗi ngày anh Khánh vẫn cố gắng tập luyện đi lên, đi xuống cầu thang để rèn luyện sức khỏe, nghị lực và làm việc kiếm tiền. Hiện với công việc kinh doanh online ổn định, anh Khánh đủ sức nuôi bản thân và gia đình. Đặc biệt, lợi nhuận từ kênh YouTube, anh Khánh còn dùng để chia sẻ, hỗ trợ nhiều người khuyết tật và kém may mắn